Đô thị vệ tinh được hình thành bên cạnh các thành phố lớn giúp giải quyết tình trạng quá tải dân số, phân tán dân cư nội đô, định hình lại quy hoạch. Trên thế giới, xu hướng đô thị hóa vùng nông thôn hay mô hình đô thị vệ tinh – các đô thị mới được phát triển bên cạnh khu trung tâm đô thị cũ, ra đời vào cuối thế kỷ 19 nhằm giảm tải áp lực về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho các thành phố lớn.
Các đô thị vệ tinh thường cách trung tâm khoảng 40-50 km, được đầu tư hạ tầng bài bản nhằm gia tăng kết nối.
Mô hình đô thị vệ tinh trên thế giới
Những năm 2000, thành phố Malmo (Thụy Điển) được kết nối với thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) bằng cầu Øresund – cầu đường bộ và đường sắt dài nhất châu Âu. Nhờ có Øresund, khoảng cách giữa Đan Mạch và Thụy Điển thay vì 2 giờ đi phà rút ngắn chỉ còn 40 phút lái xe.
Người dân có thêm lựa chọn cuộc sống dễ chịu hơn: sống ở Thụy Điển – nơi có chi phí thuê nhà, sinh hoạt thấp hơn và làm việc ở Đan Mạch – nơi có mức lương cao hơn. Từ đó, bước ngoặt mới cho sự phát triển của thành phố Malmo được mở ra.
Với định hướng phát triển như một đô thị vệ tinh, Malmo trở thành nơi đặt trụ sở của các công ty công nghệ sinh học, công nghệ thông tin cùng các trường đại học lớn. Đầu những năm 2020, gần một nửa dân số của Malmo là người nước ngoài. GDP đầu người đạt 45.000 USD, xếp thứ 85 trong danh sách những thành phố có GDP cao nhất châu Âu.
Tại Pháp, để khắc phục những “tác dụng phụ” của quá trình đô thị hóa như tắc đường, ngập nước, ô nhiễm môi trường, năm 1965, chính quyền Paris đã thông qua Quy hoạch chiến lược vùng. Theo đó 5 thành phố vệ tinh lần lượt được phát triển cách Thủ đô khoảng 25-30 km, gồm Cergy Pontoise, Evry, Melun, Saint Quentin-en-Yvelines và Senart. Quyết định này đã san sẻ bớt gánh nặng cho Paris, nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển, tự chủ tài chính và thu hút dân cư, lao động trẻ.
Theo nhận định từ Ngân hàng Thế giới (WB), các đô thị vệ tinh sẽ giúp giải quyết tình trạng quá tải dân số, đặc biệt là phân tán bớt dân cư cũng như quy hoạch để phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục…
Còn Liên Hợp Quốc ước tính đến năm 2050, 66% dân số thế giới sẽ sống ở khu vực thành thị, việc này dễ dẫn đến quá tải cùng nhiều hệ lụy cho sự phát triển bền vững của các đô thị lõi. Do đó, đô thị vệ tinh càng trở thành xu hướng tất yếu.
Hà Nam có điều kiện trở thành đô thị vệ tinh
Tại Việt Nam, một trong những mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 là phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Chiến lược này mở ra cơ hội cho các tỉnh thành lân cận Hà Nội, trong đó có Hà Nam – với vị trí cửa ngõ phía Nam Thủ đô, cùng cảnh quan thiên nhiên và bề dày lịch sử văn hóa, có thể trở thành một đô thị vệ tinh, trung tâm nghỉ dưỡng mới phía Nam Hà Nội.
Tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030 hồi đầu năm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã gợi mở Hà Nam cần chú trọng đẩy mạnh phát triển chuỗi đô thị vệ tinh để tận dụng lợi thế của vùng thủ đô và hệ thống hạ tầng kết nối; bảo đảm quỹ đất cho phát triển đô thị theo chức năng.